Ở nước ta có mấy loại cà phê phổ biến

Việt Nam được biết đến không chỉ bởi văn hóa cà phê nổi tiếng qua đen đường, qua sữa đá mà còn là một đất nước sản xuất và xuất khẩu cà phê chuyên nghiệp. Nằm trong vành đai khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam thích hợp cho việc trồng cây cà phê lấy hạt. Từ lâu, người nông dân trong nước đã lựa chọn chuyên canh cây trồng cà phê theo hướng xuất khẩu, vì thế nên đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc trong thị trường cà phê thế giới. Mỗi loại cà phê mang trong mình một hương vị khác nhau, không loại nào giống loại nào. Sự đa dạng đó đã tạo nên tên tuổi của văn hóa cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới và đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều nhà kinh doanh làm nên sự nghiệp như Trung Nguyên cà phê, Vinacafe hay Nestcafe… Bài viết này sẽ đưa chúng ta đi tìm hiểu xem ở nước ta có mấy loại cà phê phổ biến và đặc trưng của những loại cà phê đó là gì.

Việt Nam có dải khí hậu khá phong phú, rất thích hợp cho cây cà phê sinh trưởng và phát triển. Vậy, ở nước ta có mấy loại cà phê phổ biến, hãy cùng điểm danh nào.

Cà phê Robusta

Đây là dòng cà phê được trồng phổ biến nhất ở Việt Nam và đồng thời, Việt Nam cũng được thống kê là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Hiện nay, cà phê Robusta phân bố chủ yếu trên địa bàn Tây Nguyên, nơi có nhiệt độ trung bình nằm trong khoảng 25-30 độ C và lượng mưa trung bình quanh năm đủ lớn cho cây phát triển, ra hoa, kết quả.

Đặc điểm chính của loại cà phê Robusta như sau:

+ Hạt cà phê màu nâu sữa, có hình dáng bán cầu tròn, kích thước hạt nhỏ.

+ Hàm lượng caffeine trong cà phê Robusta dao động trong khoảng 2-4%.

+ Cà phê Robusta có vị nồng đậm, đắng gắt và hương thơm dịu nhẹ tự nhiên.

Cà phê Arabica

Ngoài dòng Robusta thì ở Việt Nam còn trồng cà phê Arabica, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng cà phê cả nước. Arabica thích hợp với khí hậu ôn đới với nhiệt độ khoảng từ 20-25 độ C và phát triển tốt trên các vùng núi cao, cho nên số lượng cà phê Arabica được trồng ở Việt Nam không nhiều. Hiện cà phê Arabica chủ yếu phân bố tại hai tỉnh Đắc Lắk và Lâm Đồng, là nơi có địa hình núi rừng cao từ 500-700m và thời tiết khá mát mẻ, dễ chịu.

Đặc điểm chính của loại cà phê Arabica như sau:

+ Hạt cà phê màu nâu bóng, có hình dáng bầu dục và to hơn hạt của cà phê Robusta.

+ Hàm lượng caffeine trong cà phê Arabica dao động trong khoảng 1-2%.

+ Cà phê Arabica có hương vị đắng dịu nhẹ và mùi thơm tinh khiết.

Cà phê Cherry

Chỉ chiểm khoảng 1% trên tổng sản lượng cà phê hằng năm nhưng Cherry vẫn đóng góp một phần hương vị đặc biệt vào danh mục các loại cà phê của Việt Nam. Cà phê Cherry được phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi như Gia Lai, Kon Tum, Nghệ An và cho năng suất thấp.

Đặc điểm chính của loại cà phê Cherry như sau:

+ Hạt to hơn hai loại cà phê Robusta và Arabica, có hình dáng bầu dục và màu nâu vàng và bóng đẹp.

+ Hàm lượng caffeine trong cà phê Cherry khá thấp, chỉ chưa tới 2%.

+ Cà phê Cherry có vị chua đặc trưng và mùi thơm nhẹ nhàng.

Trong ba loại cà phê trên, Arabica là loại có giá trị thương phẩm cao nhất và được nhiều người ưa chuộng. Còn Robusta thì phổ biến hơn cho nên mang tính chất đời thường, phù hợp với văn hóa café bình dân của người Việt. Cherry thì như một loại gia vị đặc biệt để pha trộn với hai loại cà phê còn lại nhằm tạo ra một hương vị rất riêng, gây mê đắm cho người thưởng thức.

Với những thông tin trên, bạn sẽ không còn thắc mắc ở Việt Nam có mấy loại cà phê nữa. Hơn nữa, bạn còn có thể tìm hiểu thông thạo về các loại cà phê để có thể tự tay pha chế cho mình một ly cà phê tuyệt hảo cho những buổi sáng tràn đầy năng lượng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *