Kinh doanh đồ uống nhượng quyền đang là trào lưu trên thị trường đồ uống Việt Nam. Nối tiếp bước chân thành công của hãng cà phê Trung Nguyên theo phương pháp nhượng quyền kinh doanh chuỗi cửa hàng cà phê Trung Nguyên Legend, đã nhiều thương hiệu đồ uống khác cũng lựa chọn phát triển thị trường theo hình thức này. Tìm hiểu về nhượng quyền đồ uống sẽ cho bạn thấy rõ hơn bức tranh kinh doanh nhượng quyền tại Việt Nam hiện nay.
Nhượng quyền là gì?
Nhượng quyền là việc một thương hiệu nhượng một phần hay toàn bộ nội dung và hình thức kinh doanh của mình cho bên đối tác nhận nhượng quyền bằng một khoản phí nhất định gọi là phí nhượng quyền. Theo đó, bên nhận nhượng quyền có trách nhiệm bảo đảm uy tín cho thương hiệu và thực hiện các hoạt động kinh doanh theo như đã cam kết với bên thương hiệu đó.
Kinh doanh đồ uống nhượng quyền là hình thức được các thương hiệu đồ uống lựa chọn trong việc phát triển kênh bán, tạo nên giá trị chuỗi cửa hàng để cùng nhau tạo ra lợi nhuận. Bên nhận nhượng quyền sử dụng thương hiệu đã được gây dựng trải qua thời gian dài để thực hiện công việc kinh doanh, bù lại bên này phải trả cho bên thương hiệu một khoản phí.
Những thương hiệu kinh doanh đồ uống nhượng quyền
Có rất nhiều loại đồ uống kinh doanh nhượng quyền, trong đó nổi nhất vẫn là hai loại thức uống là cà phê và trà sữa. Có thể tổng hợp những thương hiệu kinh doanh đồ uống nhượng quyền đang đạt được nhiều thành công và độ phủ sóng trên diện rộng hiện nay bao gồm:
+ Cà phê: Trung Nguyên coffee, Highlands coffee, Starbucks, Milano café, Effoc café, Cộng café, Viva Star coffee, Napoli café, Z! café.
+ Trà sữa: House of Cha, Gong Cha, Hot and Cold, Ding Tea, Tocotoco, Trà Tiên Hưởng, R&B, Royaltea, Goky, Bumba, Koi Thé, Koicha, BoBaPoP, High Tea, Azteen, Hoa Hướng Dương, The Alley, Heekcaa Việt Nam, Britea, Mr. Goodtea.
Nội dung kinh doanh đồ uống nhượng quyền
Trong việc kinh doanh đồ uống nhượng quyền, bên thương hiệu thường sẽ nhượng quyền cho bên đối tác những nội dung sau:
+ Được phép sử dụng thương hiệu, logo nhãn hàng, slogan của bên thương hiệu vào việc kinh doanh cửa hàng nhượng quyền.
+ Được truyền công thức và bí quyết pha chế các loại đồ uống có trong menu của thương hiệu đó, mỗi khi có sản phẩm mới cập nhật thì đều sẽ được bên thương hiệu đào tạo pha chế.
+ Thiết kế trang trí cửa hàng đồng bộ theo chủ đề của bên thương hiệu để tạo sự đồng nhất về mặt hình ảnh trong mắt khách hàng, để khách hàng đi đâu nhìn thấy mỗi cửa hàng như vậy đều biết ngay đó là của thương hiệu nào.
+ Tên thương hiệu trực tiếp cung cấp nguồn nguyên vật liệu cho bên cửa hàng đối tác để pha chế đồ uống, nhờ đó mà tất cả các nguyên liệu đầu vào đều đã được kiểm duyệt một lần trước khi đến với cửa hàng, tại đây lại được kiểm duyệt thêm một lần nữa trước khi trở thành đồ uống tới khách hàng.
+ Bên thương hiệu chịu trách nhiệm đào tạo đội ngũ nhân viên cho bên cửa hàng đối tác để đạt chuẩn chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng.
+ Đồng thời, bên thương hiệu hỗ trợ các chiến dịch quảng cáo và chi phí khai trương cửa hàng cho bên đối tác nhận nhượng quyền.
Còn bên đối tác nhận nhượng quyền thì có trách nhiệm giữ gìn uy tín của thương hiệu đó, không có những hành động hay ứng xử không phù hợp với khách hàng làm tổn thất đến danh tiếng của thương hiệu. Đồng thời phải đảm bảo tuân thủ những chuẩn mực chung theo quy định của bên thương hiệu.
Kinh doanh đồ uống nhượng quyền quả thực là một kênh bán rất tiềm năng cho nhiều thương hiệu và cũng là cơ hội kinh doanh tốt cho những người muốn đầu tư vào lĩnh vực đồ uống. Ưu điểm của hình thức kinh doanh này là bạn chỉ cần trả một khoản phí cho việc sử dụng thương hiệu đã mất nhiều công sức và thời gian mới có thể xây dựng nên. Nhưng cũng là hạn chế, không phù hợp cho những ai muốn kinh doanh tự lập, sáng tạo để làm nên thương hiệu riêng của mình. Vì vậy, sau khi tìm hiểu về nhượng quyền đồ uống, bạn hoàn toàn có thể quyết định được chiến lược đầu tư kinh doanh mà mình sẽ hướng đến là gì.